"Săn vịt trời" học bổng

 # Săn vịt trời #  học bổngTại các cuộc hội thảo, tư vấn hay diễn đàn về du học, điều bận tâm nhất của những người tham dự là học bổng, cách tìm, xin học bổng ở các nước.

Bởi đi du học bằng học bổng, vừa oai ra phết, vừa giải quyết được túi tiền vốn không mấy dồi dào của nhiều gia đình.

Những cuộc "săn" học bổng luôn diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt trong từng học sinh, từng gia đình có ước mơ xuất ngoại.

Qua cầu mới hay...

P. thuộc dạng học sinh khá giỏi của Trường Gia Định, mơ ước được đi du học để mở mang kiến thức. Khổ nỗi nhà bạn không có khả năng về tài chính.

Thế là P. quyết tâm săn học bổng. Nghe có hội thảo nào ở đâu, bạn cũng tới tham dự, website nào hay về giáo dục, bạn cũng mò vô xem.

Cuối cùng P. tìm được một học bổng 50% học tiếng Anh ở một trường bên Singapore. Thấy con có học bổng, mẹ bạn cũng ráng chạy tiền cho con đi.


Qua đó P. té ngửa rằng học bổng này chỉ là 50% học phí một khóa học 3 tháng. Rồi đủ thứ tiền khác: sách vở, bảo hiểm, cơ sở vật chất, nhà trọ, tiền ăn... đến hơn 5.000 USD.

Lỡ qua rồi, gia đình phải bán đồ đạc để gửi thêm cho con. Và P. phải hì hục đi làm phục vụ cho một quán ăn tới tận khuya. Làm cực, về chỉ còn biết lăn ra ngủ, bài vở, tập sách chẳng học vô được chữ nào. Và khóa sau, bạn mất học bổng. Cầm cự được một năm, P. phải quay trở về nước.

Ngọc Mai cũng bị "nửa đường gãy gánh” khi đi du học Anh bằng học bổng. Học lực và tiếng Anh của bạn giỏi nên đậu được một suất học bổng toàn phần 100% chi phí du học tại Anh của một tỉ phú.

Học vừa xong năm thứ nhất, đùng một cái ông tỉ phú này chết. Nguồn tài trợ bị cắt đứt, thế là bạn phải khăn gói quay trở về Việt Nam trong sự tiếc rẻ của bạn bè Anh Quốc.


Sa chước cám dỗ


Các nước càng tiên tiến thì càng nhiều cám dỗ mà nếu không vững vàng, nhiều du học sinh Việt Nam, kể cả những thành phần ưu tú, đi học bằng học bổng, cũng rất dễ sa ngã.

Anh Trọng Chinh, một cựu du học sinh đi du học Úc bằng học bổng của Chính phủ Úc từ năm 1994 - 1999, kể lại: "Lúc tôi học bên đó, ai cũng biết tiếng có hai du học sinh Việt Nam bị đưa vô danh sách đen của cảnh sát vì tội bài bạc, trốn nợ. Họ đều là những học sinh giỏi, đi học bằng học bổng chính phủ hẳn hoi.

Nhưng qua đó, bị những cám dỗ lôi kéo, muốn kiếm thật nhiều tiền để trang trải chi phí và gửi về nhà, họ sa ngã lúc nào không hay”.

Cám dỗ kiếm tiền là một thực tế mà nhiều du học sinh mắc phải khi đi du học. Đào Kim Anh (Q. Tân Bình) có một người bạn tên Hiền được học bổng giao lưu văn hóa đi Mỹ năm lớp 12, nên năm sau bạn dễ dàng xin được visa học đại học.

Qua đó, Hiền cũng đi làm thêm ở một tiệm làm móng tay. Lúc đầu chỉ là phụ ba mẹ trang trải chi phí ăn học, sau thấy làm có tiền quá, bạn bỏ học, trốn ra ngoài làm thêm cũng được 4-5 năm nay.

Thật sự theo các bạn, bây giờ kiếm học bổng không khó, chỉ cần vô các trang web Yahoo! Google là có thể tìm được cả trăm loại học bổng khác nhau.

Thế nhưng theo kinh nghiệm của anh Chinh, "quan trọng nhất là bạn phải biết nó thuộc loại học bổng gì, của tổ chức nào, nếu không nhằm loại học bổng như ông tỉ phú trên thì oan mạng.

Và học bổng đó được bao lâu? Sau đó phải tính toán được chi phí ăn ở, sinh hoạt, bảo hiểm tại nước đó trong thời gian đi học. Tính dư ra một chút phòng hờ khi ốm đau hoặc có chuyện đột xuất.

Tránh tình trạng thấy có học bổng rồi ham, chạy vạy để đi, rồi qua đó phải cày để kiếm sống. Một khi đã vướng vào chuyện cơm áo gạo tiền rồi thì bạn khó có thể tập trung cho việc học được".


hoasentrang.de


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC