Kinh nghiệm và Kỹ năng khi đi phỏng vấn

Kinh nghiệm và Kỹ năng khi đi phỏng vấn

Một cuộc phỏng vấn thành công là tổng hợp của rất nhiều yếu tố, từ hình thức đến nội dung. Nhiều sinh viên mới ra trường hay những người đã có kinh nghiệm làm việc muốn chuyển việc muốn tìm một công việc thích hợp đã phải trải qua bao nhiêu lần phỏng vấn xin việc, và không ít lần thất bại.

1 1 Kinh Nghiem Va Ky Nang Khi Di Phong Van

Câu hỏi đặt ra “Tại sao tôi lại thất bại trong buổi phỏng vấn đó?” dường như chưa được các ứng viên quan tâm đúng mức. Vì thể để tránh lãng phí thời gian và công sức cho những “cuộc phỏng vấn thất bại”, hãy trang bị cho bản thân những kỹ năng trả lời phỏng vấn cần thiết nhất.

Chuẩn bị trước khi đi phỏng vấn

Để cuộc phỏng vấn đạt hiệu quả cao, bạn cần chuẩn bị kỹ trước khi đi phỏng vấn. Đây là một bước quan trọng nhưng chưa được nhiều ứng viên chuẩn bị kỹ càng. Theo kinh nghiệm của những người từng trải và ngay cả của các nhà tuyển dụng, trước khi đến phỏng vấn bạn cần tìm hiểu những vấn đề sau:

Tìm hiểu thông tin về Công ty mà bạn sẽ tham gia tuyển dụng: Đây là một lợi thế cho bạn để định hướng rõ ràng cho các câu hỏi mà bạn sẽ gặp phải. Thêm vào đó, bạn sẽ gây ấn tượng và thể hiện thàng ý của mình tốt hơn đối với nhà tuyển dụng.

Chuẩn bị trang phục phù hợp khi đi phỏng vấn: Một trong những kỹ năng cơ bản nhất trong khâu chuẩn bị là vấn đề trang phục. Ngoại hình và cách  ăn mặc của bạn sẽ là điểm tạo ấn tượng đầu tiên với nhà tuyển dụng. Hãy chọn trang phục phù hợp, nổi bật ngoại hình và tính cách của bản thân. Nhưng đừng quá lạm dụng và chứng tỏ phong cách của mình một cách quá đà.

Ngoài ra khi đi phỏng vấn hãy chú ý đến giờ giắc, hãy đến trước thời gian hẹn phỏng vấn, đừng đến quá trễ hoặc quá sớm.

Kỹ năng và kinh nghiệm phỏng vấn

Khi các bước chuẩn bị cơ bản đã tốt, bạn cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng khi trả lời phỏng vấn của các nhà tuyển dụng. Một số kỹ năng phỏng vấn xin việc dưới đây sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đi phỏng vấn xin việc làm:

Ngôn ngữ cơ thể cũng quyết định yếu tố thành bại của bạn trong cuộc phỏng vấn không kém ngôn ngữ lời nói. Chỉ một hành động nhỏ mà bạn vô tình thể hiện cũng có thể minh chứng cho một thái độ tiêu cực đối với nhà tuyển dụng. Liên tục nhìn đồng hồ chứng tỏ bạn không dành nhiều thời gian và chưa toàn tâm toàn ý cho cuộc phỏng vấn. Tư thế ngồi không thẳng lưng, vai xệ, ngọ nguậy trên ghế, ánh mắt nhìn xuống…chứng tỏ bạn kém tự tin trong từng lời nói của mình. Cơ thể truyền tải nhiều thông tin cảm xúc hơn bạn nghĩ. Do đó, hãy chú ý đến những cử chỉ tưởng chừng như vô cùng nhỏ nhặt trong lúc trả lời phỏng vấn.

Để thể hiện thái độ tự tin và thẳng thắn, hãy luôn nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng trong lúc phỏng vấn. Khi trao đổi với họ, hãy trình bày vấn đề của mình một cách rõ ràng, mạch lạc hết sức có thể.

1 2 Kinh Nghiem Va Ky Nang Khi Di Phong Van

Đừng nói Tôi không biết hoặc Tôi không làm được khi trả lời phỏng vấn

Khi gặp một câu hỏi hay một vấn đề mà bạn chưa từng nghe qua, đừng vội vàng nói Tôi không biết hay Tôi không làm được. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn kém năng lực. Thay vào đó, hãy khéo léo hơn: Tôi chưa tìm hiểu hoặc Tôi sẽ tìm hiểu vấn đề này để chứng tỏ bạn là người cầu tiến và ham học hỏi. Đây là một kỹ năng quan trọng mà không phải ai cũng biết và nắm được.

Tận dụng sức mạnh của nụ cười

Nụ cười là một trong những cách tốt nhất để chúng ta thể hiện thái độ chân thành và thân thiện. Vì vậy trong cuộc phỏng vấn, hãy tận dụng nụ cười đúng lúc. Không chỉ thể hiện thái độ thân thiện và chân thành, nụ cười còn mang đến bầu không khí vui vẻ, thoải mái cho cuộc nói chuyện của bạn và nhà tuyển dụng.

Không nói những điều tiêu cực về nơi làm việc cũ

Một trong những câu hỏi thường gặp của nhà tuyển dụng là “Tại sao bạn lại nghỉ việc ở chỗ làm cũ?”. Trong trường hợp này, đừng bao giờ trả lời bằng cách nói xấu sếp hay đồng nghiệp cũ. Để trả lời câu hỏi này hãy nói về những mặt không phù hợp của bạn với vị trí cũ và sự mong muốn được trải nghiệm với cơ hội và thử thách mới.

Biết cách đặt câu hỏi để tránh thụ động khi trả lời phỏng vấn.

Suốt buổi phỏng vấn xin việc, bạn đừng thụ động vì chỉ toàn trả lời những câu hỏi được nhà tuyển dụng đặt ra. Một kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc rất quan trọng mà không phải ứng viên nào cũng biết và sử dụng đó là đặt câu hỏi ngược lại. Việc thỉnh thoảng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng khiến buổi phỏng vấn trở nên nhẹ nhàng, giống như một buổi nói chuyện thân mật chứ không phải một bài kiểm tra căng thẳng và áp lực. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng sẽ hài lòng khi biết được mức độ quan tâm của bạn đối với công việc tương lai là rất cao.

Cuối cùng thì điều quan trọng nhất trong số rất nhiều kỹ năng phỏng vấn xin việc đó là bạn phải là chính mình. Dù bạn có nắm rõ các cách thức “lấy lòng” nhà tuyển dụng đến đâu thì điều mà họ quan tâm và chú trọng nhất không phải là hình thức thể hiện bên ngoài mà là năng lực và đạo đức của bạn.

Dưới đây là những câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn tuyển dụng

1- Tại sao bạn lại muốn làm việc cho tổ chức chúng tôi?

2- Bạn có bao giờ mâu thuẫn với đồng nghiệp chưa? Nếu có thì cách giải quyết đó là gì?

3- Khi làm việc, nếu gặp khó khăn và bị căng thẳng thì bạn xử lý ra sao?

4- Nếu chúng tôi tuyển dụng bạn thì chúng tôi được lợi cái gì?

5- Cho đến nay, bạn thấy thành công lớn nhất của mình trong cuộc đời là gì?

6- 5 năm nữa, bạn sẽ làm gì?

7- Bạn thích làm việc độc lập, hay theo nhóm, tổ? Tại sao?

8- Bạn bè thường mô tả bạn là người như thế nào?

9- Điểm mạnh và yếu của bạn là gì?

10- Theo bạn, ở vị trí mà bạn muốn vào làm việc, vấn đề gì là quan trọng nhất?

11- Nếu được nhận vào làm việc, bạn có cam kết làm việc lâu dài không?

Hỏi lại nhà tuyển dụng

Khi sắp kết thúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường hỏi: Anh chị có cần hỏi gì không? Lúc này, nếu biết nêu câu hỏi phù hợp, rõ ràng thì cũng là một cách thể hiện sự chín chắn, thông minh, góp phần kết thúc tốt đẹp cuộc phỏng vấn.

Bạn nên nhớ các vấn đề định hỏi phải được chuẩn bị trước, có cân nhắc, không hỏi ngẫu hứng. Nếu không hỏi gì chứng tỏ bạn chuẩn bị kém, thiếu quan tâm với cơ quan tuyển dụng.

Các câu hỏi bạn đặt ra với người phỏng vấn nên xoay quanh chủ đề làm thế nào để mình có thể phục vụ tốt nhất, đạt hiệu quả cao nhất. Ví dụ:

- Hướng phát triển, các sản phẩm và dịch vụ của công ty trong tương lai gần?

- Yêu cầu cao nhất đối với người làm việc ở vị trí tuyển dụng là gì?

- Cơ hội để được học tập, nâng cao trình độ và tay nghề.

- Vị trí xin vào trước đây đã có ai làm chưa? Người đó đã thực hiện công việc này thế nào?

Bạn không nên đặt câu hỏi quá quan tâm về vật chất như tiền lương, tiền thưởng, thời hạn nâng lương, nghỉ phép... Nhưng nếu được hỏi anh chị muốn có mức lương bao nhiêu thì câu trả lời hay nhất là "Tôi muốn hưởng mức lương phù hợp với năng lực và sự đóng góp của tôi".

Với những kỹ năng và kinh nghiệm trên đây, tác giả mong muốn các bạn sinh viên mới ra trường và cả những người đang chuẩn bị tìm kiếm cơ hội mới có thể có thêm chút kiến thức và kỹ năng để trau dồi bản thân và chuẩn bị kỹ càng trước những cơ hội mới.

Chúc các bạn thành công!

 

Phương Thảo


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC