Ân hận vì cho con đi du học sớm: Chỉ người trong cuộc mới hiểu!

Ân hận vì cho con đi du học sớm: Chỉ người trong cuộc mới hiểu!

Sau khi Infonet đăng tuyến bài "Cho con đi du học sớm" có rất nhiều độc giả đã tương tác gửi ý kiến bình luận về vấn đề này. Câu chuyện một bác sĩ kể về nỗi "Ân hận lớn nhất của đời tôi là cho con đi du học", đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ.

1 1 An Han Vi Cho Con Di Du Hoc Som Chi Nguoi Trong Cuoc Moi Hieu

 

Sau chia sẻ của ông H., một bác sĩ ở Hà Nội cho con đi du học tại Mỹ và các con ông không chịu về Việt Nam, độc giả của Infonet đã có nhiều bình luận chia sẻ cảm thông với gia đình ông H. Tuy nhiên cũng có ý kiến trái chiều cho rằng ông H. đã quá ích kỷ khi nghĩ về việc giữ con ở lại bên mình mà không để con tự do với hạnh phúc của riêng con.

Ở tuổi già, ông H. cảm thấy cô đơn lủi thủi một mình. Các con ông không muốn về Việt Nam vì không hợp văn hóa và cảm thấy sợ chính quê hương mình. Điều đó khiến ông H., luôn ân hận khi đã cho con đi du học.

Độc giả Nguyen Thanh Hoa chia sẻ:

"Các cụ ta có câu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", câu chuyện này dĩ nhiên không đại diện, áp đặt cho tất cả các gia đình cho con đi du học. Tuy nhiên, qua đọc các bình luận mới thấy một số người đọc không hết các tình tiết của câu chuyện đã ào vào bình luận.

Theo tôi, sự lựa chọn của mỗi cá nhân cần được tôn trọng. Tuy nhiên, sự lựa chọn mất gốc như con của ông bác sỹ này thì cần phải xem xét lại, chưa khỏi vòng đã cong đuôi, chê bai quê hương, họ hàng đủ điều. Nên nhớ, lúc này chúng đang còn trẻ, khỏe, nếu chúng có tuổi như bố mẹ chúng ắt hẳn chúng sẽ nghĩ khác. Bây giờ cứ lên mạng nhất là Youtube thì thấy đầy những chuyện Việt kiều trở về quê sinh sống, rất nhiều những người nước ngoài chọn Việt Nam để sống và kinh doanh lâu dài. Quý vị cũng cần nhớ rằng, những cái rườm rà, hủ tục của Việt nam lại là cái hấp dẫn các du khách nước ngoài trong đó có rất nhiều người trẻ đến để tìm hiểu, trải nghiệm.

Cũng xin nhắc lại lịch sử một chút: May mà các cụ Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Phạm Huy Thông vv... Không chối bỏ quê hương như mấy đứa con ông bác sỹ H. nên họ đã bỏ hết tất cả những vinh hoa phú quý ở các nước mà trở về lăn lội trên chiến khu, nơi trận tuyến, góp phần xứng đáng vào công cuộc kháng chiến giải phóng đất nước."

Độc giả Lê Quốc Hưng:

"Tôi thấy chia sẻ của bác quá đúng. Với điều kiện như gia đình bác này thì cứ ở Việt Nam, bác cũng thừa sức tạo điều kiện cho con tạo lập sự nghiệp ở Việt Nam vừa gần gũi với gia đình mà thu nhập có khi còn hơn bên Mỹ ấy chứ. Bởi tôi nghe nói ở bên đó thu nhập bình quân có thể đến 3 - 4 nghìn đô 1 tháng nhưng chi phí đăt đỏ gấp mấy lần Việt nam nên thặng dư cũng chẳng còn bao nhiêu lại thêm vào đó là sự kỳ thị của dân bản xứ luôn coi dân da màu như công dân loại 2, loại 3 thì liệu có bằng ở Việt Nam mà thu nhâp đều khoảng 50 triệu như ngành y của bác, lại được mọi người kính trọng không."

Độc giả Nguyễn Gia Vinh ý kiến rằng:

"Cho con đi du học sớm lợi bất cập hại: 1- Đứa trẻ vào đời sớm, chưa đủ trí khôn và bản lĩnh để đứng vững trước những cám dỗ. 2- Nếu chúng ngoan chịu học thì có kiến thức, chúng hư không có người bên cạnh kèm cặp sẽ dễ hỏng luôn, tức là cha mẹ đánh cược 50/50 hoặc còn hoặc mất. 3- Nếu về nước thì học lại từ đầu cách nghĩ, làm việc, kỹ năng sống ở Việt Nam. Nếu ở lại coi như mất và chỉ số ít thành đạt, còn đa số là công dân hạng 3. Tóm lại chỉ nên cho con đi học sau khi chúng đã trưởng thành tốt nghiệp đại học ở Việt Nam."

Độc giả Tô Thanh Sơn cho rằng:

"Khi cho con đi du học chỉ đi trong 3 điều kiện. 1. Đi hoán đổi sinh viên 2. Đi học thạc sỹ 3. Có cơ hội học bổng thì làm tiến sỹ nước ngoài 4. Tất cả là tự nguyện, nguyện vọng, 50/50 không cầu thị, không kỳ vọng 5. Sau đó về vn phục vụ, vào các công ty nước ngoài, hãy xem Việt kiều họ đang dần dần tìm cách về Việt Nam hết đấy 6.

Hãy tìm hiểu và đọc, nghe những tâm sự của người việt ở xứ người, tất cả đều hướng về quê hương hết, ra nước ngoài mới thấy họ coi Việt Nam như thế nào công dân hạng 3."

Nguồn: K. Chi/ Infonet.vn


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC