Du học sinh làm thế nào để ở lại Đức làm việc?

Du học sinh làm thế nào để ở lại Đức làm việc?

Đầu tiên, bạn cần đến Đại sứ quán tại Đức để xin giấy phép cư trú cho mục đích xin việc làm trong thời gian 18 tháng.

Là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới năm 2018 (số liệu do Ngân hàng thế giới cung cấp), Đức là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu với 3% tính đến tháng 5/2019. Trong đó, tỷ lệ người không có việc làm tại các thành phố lớn như Berlin hay Munich thấp hơn rất nhiều bởi các công ty, doanh nghiệp đặt tại đây tạo ra vô số việc làm.

Những lý do này kết hợp với chi phí sinh hoạt phải chăng và phúc lợi xã hội cao đã giúp Đức trở thành mục tiêu làm việc cho nhiều sinh viên quốc tế đang học tập tại đây. Trang Studying in Germany cung cấp thông tin cần thiết cho du học sinh muốn tìm một công việc tốt tại Đức sau khi tốt nghiệp.

Đối với sinh viên quốc tế tốt nghiệp đại học tại Đức

Theo luật, sinh viên quốc tế đủ điều kiện tìm việc tại Đức sau khi tốt nghiệp. Nếu công việc bạn tìm theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo tại Đức, sau một khoảng thời gian làm việc, bạn đủ điều kiện để nhận thẻ Xanh châu Âu, loại thẻ cho phép bạn cư trú dài hạn tại Đức.

Các tài liệu bắt buộc khi xin việc:

– Đơn xin việc – Giấy phép cư trú – Bằng tốt nghiệp – Chứng chỉ ngôn ngữ – Chứng chỉ tin học – Chứng chỉ các kỹ năng khác

Bạn có thể trực tiếp đến công ty hoặc doanh nghiệp để nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện. Nếu nộp qua mail, hãy để tất cả tệp trong hồ sơ ở định dạng PDF hoặc JPG. Tùy yêu cầu của công ty, bạn hãy lựa chọn hình thức nộp phù hợp.

1 1 Du Hoc Sinh Lam The Nao De O Lai Duc Lam Viec

Sinh viên quốc tế có nhiều cơ hội việc làm tại Đức. Ảnh Studying in Germany

Đối với sinh viên tốt nghiệp tại nước ngoài

Nếu không phải là du học sinh Đức nhưng vẫn muốn làm việc tại quốc gia này, bạn cần chuyển đổi tất cả chứng chỉ, chứng nhận trình độ của mình sang khung đánh giá của Đức. Nếu đủ điều kiện, bạn sẽ được cấp giấy phép tạm trú 18 tháng để tìm việc như du học sinh Đức.

Nếu trình độ của bạn không được công nhận, chính phủ Đức có thể yêu cầu bạn trải qua một vài khóa đạo tào chuyên môn, tùy theo lĩnh vực bạn muốn tìm việc. Bạn có thể ở lại Đức trong thời gian này với giấy phép cư trú ngắn hạn.

Những ngành nghề đang “khát” nhân lực tại Đức

Theo thống kê, năm 2019 độ tuổi trung bình của người Đức là 46. Dự kiến đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 51. Hiện nay, Đức là quốc gia có dân số già với tỷ lệ người cao tuổi phụ thuộc, không còn khả năng lao động lên tới gần 34%. Để đảm bảo chất lượng chăm sóc người già, lao động có năng lực trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe có nhiều cơ hội việc làm tại Đức.

Ngoài ra, quốc gia này còn đi đầu trong ngành công nghiệp ôtô và xử lý hóa chất nên kỹ sư và lao động có chuyên môn về hóa học được hưởng lương cao hơn so với mặt bằng chung tại Đức.

Trước sự phát triển của công nghệ 4.0, nhu cầu lao động có chuyên môn về công nghệ thông tin rất lớn nhằm đảm bảo đất nước tránh khỏi các mối đe dọa an ninh mạng.

Một số địa chỉ bạn có thể liên lạc để tìm việc tại Đức

Nếu chưa có một mục tiêu cụ thể, bạn có thể tham khảo hai kênh thông tin dưới đây để tìm kiếm địa điểm làm việc phù hợp với mình.

Cơ quan việc làm liên bang Đức

Đơn vị này có nhiệm vụ hỗ trợ công dân trong và ngoài nước tìm việc làm tại Đức. Trên website của Cơ quan việc làm liên bang Đức, bạn có thể tra cứu các doanh nghiệp theo vị trí địa lý mong muốn. Công cụ tìm kiếm này hỗ trợ tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng phần mô tả việc làm chủ yếu được viết bằng tiếng Đức.

Tại website, bạn có thể tạo hồ sơ xin việc cá nhân bằng cách cập nhật chứng chỉ chuyên môn mình có và nhà tuyển dụng có thể tìm thấy bạn khi họ có nhu cầu.

Công thông tin việc làm địa phương

Cổng thông tin việc làm địa phương cũng cung cấp cho du học sinh website chứa thông tin về công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Ưu điểm của kênh này là nắm được thông tin cụ thể và chính xác của công ty do số liệu được thu thập diễn ra trên phạm vi nhỏ. Nhược điểm của Cổng thông tin việc làm địa phương là số lượng công ty, doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều dẫn đến có ít lựa chọn.

Nguồn: vnexpress


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000