Đức: Muốn vào đại học phải biết nhiều ngoại ngữ

Đức: Muốn vào đại học phải biết nhiều ngoại ngữ

Trước hết phải nói rằng, khối lượng và phương pháp dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông Đức không giống nhau. Bởi tại quốc gia này, giáo dục ngoại ngữ ở các cấp, bậc học thuộc thẩm quyền của các bang.

Nói với hàng xóm bằng ngôn ngữ của họ

Ở một số bang của Đức có chung đường biên giới với Pháp, tiếng Pháp là môn học bắt buộc trong nhiều trường phổ thông, Còn ở bang Schleswig- Holstein, nơi có nhiều người Đan Mạch sinh sống (bang này nằm cạnh Đan Mạch), tiếng Đan Mạch được dạy phổ biến ở các trường phổ thông.

Ở những khu vực thuộc bang Niedersachsen và bang NRW, gần với biên giới Hà Lan, người ta dạy tiếng Hà Lan, ở bang Sachsen và Mecklenburg -Vorpommern – dạy tiếng Ba Lan, ở Bayern – dạy tiếng Séc.

Mục đích rất rõ ràng: Biên giới các nước thuộc Liên minh châu Âu để mở, vì vậy người dân cố gắng bằng mọi cách giao tiếp với cư dân các nước láng giềng bằng ngôn ngữ của họ.

1 1 Duc Muon Vao Dai Hoc Phai Biet Nhieu Ngoai Ngu

Phần lớn HS phổ thông Đức chọn học tiếng Anh.

Tuy nhiên, ở đây không những các yếu tố địa chính trị, mà truyền thống cũng đóng vai trò quan trọng. Ví dụ, ở bang Thüringen, phía Đông nước Đức, trên lãnh thổ của CHDC Đức cũ, tiếng Nga được giảng dạy trong nhiều trường phổ thông. Có một thời ở CHDC Đức, tiếng Nga là môn học bắt buộc, hiện đã bỏ quy định này nhưng nó vẫn khá phổ biến ở khu vực Đông Đức.

Học tiếng Anh từ lớp một

Vậy, việc dạy học ngoại ngữ ở các trường phổ thông Đức có những tiêu chuẩn chung, thống nhất nào?

Ở Cộng hòa Liên bang Đức, kiến ​​thức ngoại ngữ được coi là rất quan trọng không chỉ trên quan điểm thực hành thuần túy, để tiếp thu một ngành nghề cụ thể nào đấy và thăng tiến trong công việc, mà còn để phát triển con người nói chung. Do đó, ở nhiều bang, việc học ngoại ngữ thứ nhất, thông thường là tiếng Anh, được bắt đầu ở trường tiểu học (có nơi từ lớp ba, có nơi từ lớp bốn). Ở bang NRW, tiếng Anh được dạy cho HS từ lớp một.

Tất nhiên, các em nhỏ không được dạy các quy tắc ngữ pháp phức tạp. Điều chủ yếu ở đây, như trong sách hướng dẫn của Bộ Giáo dục bang là “tạo ra niềm vui và hứng thú của các em đối với việc học ngoại ngữ, tìm hiểu các quốc gia và dân tộc khác”. Ở các trường trung học, vốn là bậc cao nhất của giáo dục phổ thông ở Đức và sau khi tốt nghiệp các em được quyền vào học đại học, SV phải học từ 2 – 3 ngoại ngữ.

Ở Đức, biết 2 – 3 ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc để bạn tiếp tục học lên đại học. Do đó, nhà trường phổ thông thực hiện nghiêm túc quy định này. Ví dụ, HS lớp 10 phải học từ 6 – 8 giờ/tuần/ngoại ngữ. Đây là ở các lớp học thông thường. Còn ở các lớp chuyên ngữ (tại các trường trung học của Đức có những lớp như vậy), thậm chí số tiết học ngoại ngữ còn nhiều hơn. Ngoài ra, ở các lớp chuyên ngữ, một số môn học được dạy bằng ngoại ngữ.

1 2 Duc Muon Vao Dai Hoc Phai Biet Nhieu Ngoai Ngu

Học sinh quốc tế tại Đức.

Giáo viên phải đào tạo lại tiếng Anh

Do hoàn cảnh lịch sử, việc dạy học ngoại ngữ ở Đông Đức yếu hơn so với ở Tây Đức. Đối với nhiều GV được đào tạo đại học dưới thời CHDC Đức, việc đến đất nước của ngôn ngữ được học là một ước mơ xa vời.

Vấn đề này không có gì mới. Các cuộc thăm dò được thực hiện đối với HS phổ thông Đức cho thấy chất lượng dạy học ngoại ngữ ở khu vực Đông Đức kém hơn so với các bạn ở phía Tây đất nước. Tất nhiên, vấn đề không phải ở năng lực của HS, mà ở phương pháp dạy ngoại ngữ của GV.

Phần lớn HS, SV thời CHDC Đức được tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai. Dĩ nhiên, ngoại ngữ thứ nhất phải là tiếng Nga. Các cuộc khảo sát đặc biệt do Hội đồng Anh hỗ trợ cho thấy, cứ 2 GV tiếng Anh thì một người cần được đào tạo lại. Điểm yếu nhất của họ là kiến ​​thức về các hình thái ngôn ngữ hiện đại, vốn từ vựng cũng như phát âm.

Học ngoại ngữ nào?

Hiện, trong các trường phổ thông của Đức, phần lớn HS đăng ký học tiếng Anh (khoảng 7 triệu HS), gần 1,5 triệu HS học tiếng Pháp và 500.000 HS học tiếng Tây Ban Nha (ngôn ngữ đang rất phổ biến trong những năm gần đây ở Đức). Theo truyền thống, các trường trung học Đức vẫn dạy tiếng Latinh. Có Nhiều HS học tiếng Latinh như một ngoại ngữ thứ hai bởi mong muốn trở thành bác sĩ sau này (560.000 HS).

Chính phủ Đức rất quan tâm tạo điều kiện cho trẻ em nhập cư học tiếng mẹ đẻ của mình, chẳng hạn như tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (gần 40.000 HS) và tiếng Ý (47.000 HS). Nhưng phổ biến nhất trong số các ngôn ngữ mẹ đẻ ở Đức là tiếng Nga, hiện có khoảng 100.000 HS theo học.

Thế giới trở nên gần gũi hơn

Việc dạy học ngoại ngữ ở Đức hoàn toàn không mang tính lý thuyết, hàn lâm. Ngay từ cấp tiểu học, trẻ em đã được dạy giao tiếp bằng ngoại ngữ. Còn ở các lớp cuối cấp trung học, việc trao đổi HS giữa trường phổ thông các quốc gia khác nhau từ lâu đã trở thành một truyền thống.

Mặt khác, việc nhiều báo và tạp chí nước ngoài bằng các ngôn ngữ khác nhau (tiếng Anh, Pháp Nga) được bán phổ biến cũng rất bổ ích cho HS học ngoai ngữ. Kết quả một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, 70% cư dân Đức biết và hiểu tương đối tốt một ngoại ngữ. Điều này không những giúp họ mở rộng tầm kiến thức và cơ hội nghề nghiệp mà còn làm cho thế ngày càng trở nên gần gũi hơn.

Nguồn: DW/ Giáo dục thời đại


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000