Tổng hợp Thông tin về du học Đức

Cộng Hòa Liên Bang Đức là một trong những nước có thể chế giáo dục ưu đãi nhất trên thế giới, học sinh - sinh viên dường như không phải đóng học phí. Các trường và đại học được trang bị tương đối tốt, các chuyên nghành được giảng dạy song song với những kinh nghiệm thực tiễn.

Đức là môi trường rất thích hợp cho giới trẻ Việt Nam có hoài bão nâng cao kiến thức cá nhân của mình, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của nhiều gia đình.

architecture 1122359 640 landscape

Với mục đích hướng dẫn và giúp đỡ các bạn có được những thông tin chính xác về thể thức du học tại Đức Chúng tôi xin cung cấp tới các bạn một số thông tin bổ ích, đồng thời cũng rất mong đón nhận được những bài viết đóng góp của các bạn đã và đang du học ở nước ngoài nói chung, ở Đức nói riêng về lĩnh vực này.

Nghành học và hệ đào tạo

Hiện nay tại Đức có khoảng 263 trường đại học và nhiều viện nghiên cứu nằm trong trường đại học, với 8.172 khoá học có cấp bằng, chứng chỉ cho hơn 400 chuyên ngành khác nhau. Các ngành khoa học mũi nhọn của Đức là công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, khoa học vật liệu, sinh học phân tử, y - dược, luật...

Trong đó, các ngành khoa học ứng dụng cực kỳ phát triển ở Đức, bởi qui trình đào tạo vừa học vừa hành được kết hợp rất hợp lý, hài hòa đã phát huy tối đa năng lực sáng tạo, khả năng áp dụng vào thực tiễn của sinh viên. Có thể tìm hiểu thông tin về các trường đại học trên toàn thế giới, tại đức và các trường chuyên ngành địa chất toàn châu âu theo đường links phía dưới:

http://geowww.uibk.ac.at...../GeoInst/Europa.html

1. Điều kiện nhập học

Để biết cụ thể các thông tin về điều kiện nhập học của trường mình dự định xin học, bạn có thể liên hệ với phòng sinh viên nước ngoài bằng thư hoặc e-mail, hoặc tìm hiểu trên trang web của trường. Muốn tham dự một khóa học ĐH ở Đức, mà trước đó ít nhất chưa học hết năm thứ nhất ở một trường ĐH Việt Nam, thì bắt buộc phải tham dự kỳ thi kiểm tra trình độ tương đương về ngành mà bạn tham dự. Khóa học dự bị ĐH sẽ có hai học kỳ để chuẩn bị cho kỳ thi này. Những điều kiện chung đối với ứng viên Việt Nam: Có bằng tốt nghiệp lớp 12, thi đậu kỳ tuyển sinh vào một trường ĐH Việt Nam được công nhận.

2. Thủ tục

Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ hồ sơ và liên hệ với trường ĐH mà mình dự định xin học đến học để biết thông tin về các điều kiện và thời gian đăng ký nhập học. Gửi bộ hồ sơ xin tham dự khóa học ĐH và đơn xin nhập học đã được điền đầy đủ đến trường ĐH Đức và chờ giấy gọi nhập học.

Thông thường, các ngành học “thời thượng”, “có giá”,và trường danh tiếng thì có rất đông SV đăng ký xin học, trong khi mỗi trường chỉ có thể nhận một số lượng SV nhất định. Khi có đông sinh viên cùng xin học, họ sẽ xét và nhận theo tiêu chuẩn từ cao xuống thấp, bao giờ đủ thì thôi.

Nếu bạn là người có điểm trung bình rất cao, chứng chỉ ngoại ngữ tốt thì bạn sẽ không phải lo lắng nhiều đến vị trí khi xin học. Trường hợp bạn chỉ ở dạng khá, tốt nhất là liên hệ với vài trường một lúc, đề phòng trường này không nhận thì có trường khác, tránh bỏ lỡ dịp là các bạn sẽ mất cả một năm.  

3. Phương thức đào tạo

Học tập tại Đức theo chế độ tín chỉ, nghĩa là, sau khi đuợc vào học trong trường đại học, SV tự đăng ký và sắp xếp lịch học cho phù hợp với khả năng. Có thể SV năm thứ nhất học cùng năm thứ 2, 3, vv.

Nhiều người học một số môn rồi nghỉ đi làm kiếm tiền, khi nào kiếm đủ tiền tiêu lại có thể quay lại trường để học tiếp, tuy nhiên, thời hạn tối đa được qui định cụ thể cho từng loại hình đào tạo, từng chương trình cụ thể, nếu trong thời hạn đó anh không tốt nghiệp thì sẽ phải nộp học phí khoảng 600€/học kỳ tiếp theo.

Sinh viên:

Về nguyên tắc SVNN có thể đăng kí học hầu hết các môn tại các trường. Một số nghành quan trọng (do nhà nước xét duyệt) và nghành có đông người đăng kí học hoặc tại những trường nổi tiếng thì yêu cầu rất cao, số chỗ dành cho SVNN do vậy rất ít, cạnh tranh cao. Nhìn chung, các nghành học được ưa chuộng ở Đức thuộc về Luật, Y, điện tử viễn thông, tin học, chế tạo máy.

Tuy nhiên, xu hướng đó cũng thay đổi theo từng thời kỳ, từng năm, do nhu cầu thị trường lớn, năm nay rất đông SV đăng kí học nghành Kinh tế, Tin học và luật (Số lượng tham gia nghe giảng có hôm tới khoảng 500 SV/buổi). Về mặt lý thuyết, SV có thể tốt nghiệp sau khoảng thời gian 4 năm rưỡi hoặc 5 năm đối với ngành kỹ thuật, và sẽ được nhận bằng kỹ sư (Diplom) và 7-8 năm đối với ngành y, nha khoa, và sẽ nhận bằng Bác sĩ.

Tuy nhiên, chỉ có những sinh viên giỏi và xuất sắc mới ra trường đúng theo lịch trên, còn lại, đa số sinh viên Đức tốt nghiệp ở độ tuổi khoảng 25-26, nghĩa là muộn hơn với các nước khác khoảng 2 năm.

Lý do đơn giản là đầu vào đại học ở Đức rất dễ, nhưng đầu ra không đơn giản như Việt nam. Nếu ai đó để ý các bảng điểm của SV họ dán trên các bảng tin của khoa, trường, thì sẽ nhận thấy một tỷ lệ khoảng 50% dưới trung bình, 20% qua, 20% khá, và 10% giỏi (Đây là số liệu ước đoán của người viết trên cơ sở tham khảo một số bảng điểm tại một số trường ĐH Đức)

Ở Việt nam, nhiều người cảm thấy xấu hổ khi tỷ lệ tốt nghiệp của trường mình không đạt 99,99%, nhưng ít ai quan tâm xem trong số 99,99% đẫy thì có bao nhiêu phần trăm đạt đẳng cấp khu vực, bao nhiêu phần trăm đạt trình độ được các nước phát triển công nhận, bao nhiêu phần trăm chỉ xứng đáng nhận bằng cao đẳng hoặc là trượt đại học.

Có lẽ vì tỷ lệ tốt nghiệp của ta cao quá làm cho nhiều nước như Đức, Hà lan không dám công nhận bằng đại học của Việt nam. Kết quả là SV tốt nghiệp đại học của chúng ta đành phải học lại 1 hoặc 2 năm nữa ở nước ngoài để lấy bằng đại học chuyển đổi tương đương (Diplome of Equivalent). Thời hạn học miễn phí đối với SV là 14 kỳ.

v Thạc sĩ: Hệ Master gần đây ở Đức mới có đưa vào thêm, không phải trường nào hay môn nào cũng có hệ Master, thường kéo dài 1- 2 năm. Chương trình học có nhiều môn, kết thúc bằng thi hoặc viết luận văn. Tại nhiều trường có thể học và thi bằng tiếng Anh. Thời hạn học miễn phí đối với sinh viên MSc là 3 kỳ (hệ 1 năm) và 5 kỳ (hệ 2 năm).

Tiến sĩ:

Để được làm NCS tại Đức điều quan trọng nhất phải có một GS nhận hướng dẫn. NCS thực chất là làm nghiên cứu khoa học, là khám phá những vấn đề mới trong chuyên môn của mình, không bắt buộc phải học hay thi các môn như ở một số nước.

Ở đây, GS hướng dẫn có toàn quyền quyết định xem NCS phải học bổ xung môn gì? có phải thi hay không? Trong vòng 3-5 năm NCS phải tự nghiên cứu tìm tòi với đề tài của mình. Nếu tốt nghiệp ĐH ở Đức hoặc các nước được công nhận (thường phải có điểm giỏi hoặc xuất sắc) có thể làm NCS khi có GS nhận.

Chỉ có bằng của một số trường ĐH của Việt nam được Đức công nhận như Bách khoa Hà nội, còn lại nếu muốn làm NCS thì phải có thêm bằng Master, tốt nhất ở một nước tiên tiến hoặc bằng DE (diplome of Equivalent) của Đức. Thời hạn học miễn phí đối với NCS là 6 kỳ chính thức và 1 kỳ gia hạn

Sau tiến sĩ:

Để được làm Postdoc tại Đức cần phải có một GS nhận vào làm việc trong dự án nghiên cứu. Thời hạn là 2 năm, gia hạn tối đa được 3 năm nữa, nhưng phải gia hạn từng năm một.

Trình độ tiếng Đức

Yêu cầu tối thiểu đối với SV đại học là Grundstufe II, tương đương 250-300 tiết học do Viện Goethe tại Hà nội cấp. Tốt nhất nên học tiếng Đức tại Viện Goethe, Trung tâm Lê Ngọc Hân, Trung tâm Việt – Đức trong ĐH Bách Khoa Hà nội hoặc các trung tâm tiếng Đức buổi tối khác như TTNN 19-5, VDZ vv.

Thi lấy bằng tại Viện Goethe ở Việt nam. Học đại học ở Đức không mất tiền, nhưng học ngoại ngữ thì vô cùng đắt. Giá học tiếng Đức ở Viện Goethe tại Đức khoảng 16000€/6-9 tháng, và không phải thành phố nào cũng có khóa học tập trung như vậy.

Thông thường, chỉ những ai có học bổng chính phủ mới có thể theo học khóa đào tạo này. Phần đông SV du học tham gia vào các lớp học tiếng đức buổi tối tại trường mình đăng ký nhập học, giá cả khoảng 200-500€/ 1 tháng.

Ngoài ra, ở một số thành phố còn có các lớp học cho người tỵ nạn, giá cả rất rẻ, nhưng chất lượng cũng tương đương với tiền mình đóng góp và chủ yếu họ dậy phần giao tiếp thông dụng.

Nhiều người theo học các khóa học này sau 3-6 tháng cũng chỉ biết mấy câu đơn giản, không thể đủ phục vụ cho việc học tập trong trường đại học được. Nghĩa là, nếu để đi thi lấy bằng tiếng đức, thì khả năng đỗ là rất hạn chế, trừ trường hợp bạn có “short hair dictionary” tại gia hoặc “long hair dictionary” (Trường hợp này rất hiếm) hoặc bạn là một người “phi thường”.

Hạn nộp hồ sơ

Ngày 31- 3 hàng năm cho học kỳ mùa đông, bắt đầu từ tháng 9 Ngày 15 tháng 2 cho những ai xin học bổng BMBF Ngày 15 tháng 9 năm trước cho nhưng ai xin học bổng DAAD.

Phỏng vấn?

Phải kiểm tra tất cả giấy tờ hồ sơ trước khi đi phỏng vấn, tốt nhất là không thừa và cũng không thiếu theo yêu cầu của sứ quán Chỉ có người xin visa mới được vào phỏng vấn, còn lại thì tất cả phải ở ngoài. Khi đi phỏng vấn thì nên ăn mặc lịch sự, quần áo phải chỉnh tề, tóc tai phải gọn gàng. Con trai thì nên thắt caravat, còn gái thì nên mặc Vec. Không nên mặc quần bò, áo phông khi đi phỏng vấn.

Khi được phỏng vấn thì phải hết sức bình tĩnh, trả lời chậm, rõ ràng những câu hỏi của họ. Nếu không hiểu rõ câu hỏi thì nên hỏi lại, tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” thì chắc chắn bị loại. Qua thông tin của một số bạn bè cho biết, các bạn có thể trả lời phỏng vấn bằng tiếng Đức, Anh hoặc Việt nam.

Khi phỏng vấn, thông thường do hai người cùng ngồi hỏi, một là nhân viên Việt nam, người kia là nhân viên Đức. Vì thế, trong trường hợp xấu nhất, nếu các bạn không thể nói được tiếng Đức hoặc Anh thì phần phỏng vấn của nhân viên Đức sẽ do nhân viên Việt nam phiên dịch cho bạn.

Nội dung phỏng vấn chủ yếu xoay quanh mục đích bạn xin đi:

  • Ví dụ, bạn đang làm gì
  • tại sao bạn muốn qua Đức
  • tại sao lại đi du học Đức
  • bạn thích học ngành gì
  • bạn sẽ sống như thế nào
  • Bạn lấy kinh phí ở đâu để du học
  • bạn sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp
  • bạn có thân nhân ở Đức không
  • bạn có ý định ở lại Đức không? (Tốt nhất trả lời- Không) v.v.

Một số câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn

  1. Sang theo mục đích gì? (Họcc tập, thăm thân, công tác...)
  2. Mối quan hệ giữa người mời (ở bên Đức) vơi người phỏng vấn như thế nào (nếu thuộc diện sang thăm thân) và người đó hiện đang làm gì?
  3. Thời gian ở lạii Đức là bao lâu?
  4. Đã đi nước ngoài lần nào chưa?
  5. Có biết nói tiếng Đức, anh hoặc ngoại ngữ nào khác không?
  6. Đi theo diện Cơ quan Việt Nam cử đi hay cá nhân?
  7. Nếu sang tới Đức, anh/chị có định ở lại Đức không?

Nhiều người nói rằng, nếu bạn có đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu thì sẽ rất đơn giản, bạn sẽ được cấp Visa trong thời gian tương đối nhanh.

Bảo lãnh du học

Đức cho phép bảo lãnh sang du học. Để hội đủ những yêu cầu của sở ngoại kiều, người đứng bảo lãnh ở Đức cần phải có công ăn việc làm ổn định, lương hàng tháng phải dư trên 550,-Euro sau tất cả các khoảng chi cho cuộc sống cá nhân.

Ngoài ra, sở ngoại kiều còn cần giấy chứng nhận về chổ ở cho người được bảo lãnh. Người được bảo lãnh cần phải thi đậu vào đại học, hoặc đang theo học o Đại học, hoặc đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam. Trong trường hợp du học tự túc (không có người bảo lãnh), người xin du học cần phải có giấy chứng nhận về một tài khoản ngân hàng với số tiền ít nhất là 6.000,-Euro.

Để mở một tài khoản ngân hàng ở Đức trong khi bạn còn ở Việt Nam, bạn hãy liên lạc với ngân hàng Deutsche Bank tại Việt Nam.

Lưu ý

Người đứng bảo lãnh tại Đức nên kiểm tra kỹ hoàn cảnh cá nhân trước khi làm đơn xin bảo lãnh người từ Việt Nam sang du học. Không nên nộp đơn xin đứng tên bảo lãnh mà thừa biết cá nhân không hội đủ các điều kiện LSQ hoặc sở ngoại kiều yêu cầu.

Đã một lần bị từ chối thì việc xin Visa lần thứ hai càng khó hơn cho người làm đơn xin du học.

Người xin Visa du học tại Việt Nam nên xem kỹ các đơn từ mà lãnh sự quán yêu cầu, không nên để thiếu hay nộp thừa những gì lãnh sự quán không yêu cầu. Trong trường hợp du học tự túc, người xin du học nên trực tiếp liên lạc với đại học mà mình muốn học.

Lãnh sự quán thường yêu cầu các giấy chứng nhận về kết quả xin nhập học (Studienplatz) ở một đại học tại Đức.

Địa chỉ Lãnh sự quán Tổng lãnh sự Đức tại Hà Nội

29 Trần Phú Hà Nội - Việt Nam

ĐT. +84-4) 822 4385, 829 1967, 829 2455
Fax +84-4) 843 3969
Email: [email protected]

Lãnh sự quán tại TP HCM

126 Nguyễn Đình Chiểu Phường 6, Quận III
TP HCM - Việt Nam

ĐT. +84-8) 822 4385, 829 1967, 829 2455
Fax +84-8) 823 1919
Email: [email protected]

Mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu, 8.30h đến 11.30h

Chi phí du học Đức

  1. Chi phí ăn ở theo tiêu chuẩn Đức là 6000€/1 sinh viên/1 năm. Với sinh viên châu á, chi phí có thể thấp hơn.
  2. Lệ phí học. Trong hầu hết các trường ĐH tại Đức sinh viên đi học (Cử nhân, thạc sĩ, NCS) đều không phải đóng tiền học phí, kể cả sinh viên nước ngoài.Mỗi học kì chỉ đóng tiền thẻ SV, tiền quản lí hành chính khoảng 50-80 € tùy theo từng trường.
  3. Bảo hiểm y tế: khoảng 20-50 € (bắt buộc đối với người có thu nhập dưới 7500 €/năm) tùy theo từng trường, thành phố, nhờ đó SV không phải tốn thêm chi phí cho khám và chữa bệnh, tiền thuốc (xem thêm bài chú ý khi mua bảo hiểm).
  4. Tiền thuê nhà: tùy theo vùng và chất lượng phòng kí túc xá, nhà dân mà bạn có thể thuê được 1 phòng ở (9-16 m2) từ 80-200 €/ tháng.
  5. Tiền đi lại: Ở thành phố lớn, tiền đi lại thường rất đắt, tùy thuộc vào khoảng cách tư chỗ ở đến chỗ học, nếu đi bằng phương tiện công cộng, vé tháng cho SV khoảng 20-50 €/1 tháng. Ở các thành phố nhỏ, sinh viên có thể được miễn phí các phương tiện công cộng, hoặc phải trả một khoản rất nhỏ. 30-40 €/6 tháng.
  6. Ăn uống: Ít nhất khoảng 150 €/1 tháng.
  7. Sách vở, tài liệu: 50 €
  8. Chi phí khác: thuê bao điện thoại, Internet, sách báo, thuê bao truyền hình, truyền thanh,... (Tùy chọn)
  9. Tiêu vặt: 50 €/1 tháng Tóm lại mỗi SV có thể thu xếp cuộc sống tại Đức với mức chi phí tối thiểu hàng tháng khoảng 300-400 €. Với anh em có điều kiện, tiêu vài ngàn euro một tháng cũng chưa thấm vào đâu !!!

Đi làm thêm

Luật pháp Đức cho phép sinh viên được đi làm thêm, 1 tuần được tối đa 40h. Công việc dành cho SV khá nhiều, lương giờ thường từ 8- 12 €. Tại các thành phố lớn đều có các tổ chức tìm việc làm cho SV.

Nói chung đa số SVNN du học tại Đức đều theo dạng tự túc, vừa học vừa đi làm. Công việc mà nhiều sinh viên nước ngoài làm nhất là phục vụ trong các quán ăn, nhà ăn sinh viên, lau nhà, giúp việc, trông nom và chăm sóc người già, vắt sữa bò (Sinh viên thường nói vui là BTB), giúp việc trong các Lab của trường, vv.

Trong dịp hè, SV có thể xin đi làm trong các hãng, xưởng, tuy nhiên, khả năng xin được cũng rất hạn chế. Nếu xin được làm trong các hãng, xưởng, thu nhập sẽ tương đối cao, khoảng 1.500-2.500 €/tháng, nghĩa là sinh viên chỉ cần làm 3 tháng hè là đủ tiền ăn học cả năm. Thời hạn đi làm thêm tối đa là 90 ngày/ năm và không phải đóng thuế.

Qui định này thường được ghi trên Visa cấp cho SV. Cần lưu ý rằng, ở một số “thành phố đại học”, thành phố nhỏ thì rất khó kiếm việc làm, vì ở đấy chỉ có sinh viên, mà không có bất kỳ cơ sở sản xuất nào, ngoài một vài ngành phục vụ sinh viên.

Các tổ chức học bổng

Ở Đức có rất nhiều tổ chức học bổng. Các bạn quan tâm có thể tham khảo một số tổ chức học bổng tại đây.

Đa số học bổng đều cấp cho các khóa sau đại học: Master, NCS, thực tập sinh. Tổ chức học bổng thuộc loại lớn nhất Đức là DAAD (www.daad.de), tổ chức này đã có quan hệ rất tốt với Việt nam, gần đây đã có đại diện thường trú tại Hà nội, trụ sở tại Trung tâm Việt-Đức trong trường ĐHBK. Tại đây họ cũng tư vấn cho việc du học sang Đức

Ngoài các học bổng đó ra, các GS ở đức có thể cấp tiền cho SV đại học, Thạc sỹ, NCS để học tập và nghiên cứu, làm Diplome, MSc hoặc PhD. Tiền này có thể lấy từ dự án của GS, quĩ của phòng thí nghiệm, hoặc GS giới thiệu cho SV đi làm ở các hãng, xưởng có quan hệ hợp tác nghiên cứu với phòng thí nghiệm của GS. Thời gian làm việc khoảng 2-4 tiếng/ngày đủ để SV lấy tiền ăn học.

Dạng thông thường được gọi là BTA, có giá trị khoảng 25.000-40.000 €/năm (Học bổng trường). Tùy theo trình độ, công việc được giao, SV có thể được nhận 20%-50% BTA.

Để có vị trí làm NCS tại Đức, sinh viên cần liên lạc trực tiếp với GS qua email, điện thoại hoặc đến gập trực tiếp. Cho dù bạn xin học bổng ở đâu hay là tự đi làm kiếm tiền ăn học thì bạn cũng cần phải có ý kiến của GS bằng văn bản có nhận hướng dẫn bạn làm NCS hay không.

Trao đổi trực tiếp với GS là cách hiệu quả nhất, thông qua đó, GS có thể đánh giá được trình độ và khả năng của HS trước khi đưa ra quyết định. Không nên thông qua bất kể người trung gian thứ 3 nào, vì công tác nghiên cứu đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân NCS rất lớn, không ai có thể làm thay các bạn được.

Trong số các bạn đã, đang và chuẩn bị có bằng MSc, nay có nguyện vọng tìm kiếm vị trí để tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc cao hơn, các bạn có thể tham khảo một số trang web dưới đây (Chủ yếu về lĩnh vực khoa học trái đất).

Chúc các bạn may mắn và thành công.

Các loại Visa vào Đức

1. Visa bảo lãnh

Visa dùng cho những ai xin đi du học tự túc tại Đức. Toàn bộ giấy tờ nên dịch và công chứng tiếng Đức · Người đi tại Việt Nam

  1. 03 tờ khai xin Visa dài hạn đã được điền và dán ảnh đầy đủ. Tờ khai này phải được khai bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức. Mẫu tờ khai có thể xin tại ĐSQ Đức.
  2. Hộ chiếu phổ thông hợp lệ, đã được người đi ký tên.
  3. Giấy nhập học của một trường đại học hoặc cao đẳng Đức.
  4. Hồ sơ sinh viên bao gồm: Bằng và học bạ cấp 3, và giấy báo trúng tuyển đại học, giấy chứng nhận đang theo học tại một trường đại học tại Việt Nam, bảng điểm tính đến thời điểm xin đi học.
  5. Ngoại ngữ. Các chương trình đại học (Diplome) đều bằng tiếng Đức, yêu cầu trình độ tiếng Đức tối thiểu ở cấp độ cơ bản II (DaF Grundstufe II - tương đương từ 250 đến 300 tiết) làm cơ sở để sinh viên có thể tiếp tục theo học một khoá học tiếng Đức ở Đức. Các chương trình MSc hoặc PhD có thể bằng tiếng anh, khi đó yêu cầu tối thiều TOEFL khoảng 500-550, hoặc IELTS khoảng 5-5.5.
  6. Sơ yếu lý lịch (CV) Khai theo từng thời gian và ghi rõ các thời gian sinh viên không đi học cũng như không đi làm.
  7. Lý lịch tư pháp do Sở tư pháp thành phố, tỉnh cấp. · Người bảo lãnh tại Đức
  8. Giấy bảo lãnh và cam kết của người bão lãnh bên Đức do Sở Ngoại kiều nơi người bảo lãnh sống cấp trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký.
  9. Chứng nhận thu nhập của người bão lãnh. Nếu gia đình của sinh viên tự trả mọi chi phí liên quan đến sinh hoạt và học tập của sinh viên, thì phải nộp một chứng nhận về việc sinh viên sở hữu một tài khoản tiết kiệm với số tiền là 6.000 Euro (sáu ngàn).
  10. Chứng nhận về nhà ở Diện tích tối thiểu cho 1 người là 9 m2

Nếu trước khi vào học đại học, sinh viên phải học một khoá Tiếng Đức tại Đức, thì phải có thêm: 9. Giấy chấp nhận tham dự khóa học này do Trường đại học bên Đức cấp, kèm theo bản photokopy. 10. Bằng chứng về việc đã trả tiền cho khoá học đó (Invoice, confirmation, etc.)

Tùy thuộc vào mỗi trường hợp cụ thể, Đaị sứ quán có thể sẽ yêu cầu thêm các giấy tờ khác, ví dụ chứng nhận HIV âm tính, vv. Việc này chỉ thông báo bằng miệng cho người làm đơn biết.

2. Visa thăm thân

Visa dùng cho những ai muốn sang thăm thân nhân (Bố, mẹ vợ chồng, con cái, vv) đang du học hoặc sống tại Đức trong thời hạn dưới 3 tháng. Toàn bộ giấy tờ nên dịch và công chứng tiếng Đức. ·

Người đi tại Việt Nam

  1. 02 tờ đơn xin Visa thời hạn dưới 90 ngày đã được điền và dán ảnh đầy đủ (do Đại sứ quán cấp). Đơn này có thể khai bằng Tiếng Đức, Anh, Pháp hoặc Tiếng Việt.
  2. Hộ chiếu phổ thông Việt Nam có giá trị. Hộ chiếu này phải có chữ ký của người được cấp
  3. Giấy xác nhận của cơ quan đồng ý cho nghỉ phép để đi thăm người thân, nếu người đi đang công tác
  4. Lý lịch tư pháp do Sở tư pháp thành phố, tỉnh cấp. · Người mời tại Đức
  5. Giấy mời và cam kết sử dụng mẫu thống nhất toàn liên bang theo Điều 84, Khoản 1 Luật Ngọai kiều Cộng hòa Liên bang Đức được Sở Ngọai kiều nơi người mời sống chứng nhận chữ ký trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký. Khi nộp giấy này cần nộp kèm theo hai bản photokopy. Khi nhận visa Đại sứ quán sẽ trả lại người đi một bản để người đi mang theo khi đi.

    Trong khuôn khổ việc xem xét cấp Visa cần thẩm tra để biết người mời có khả năng đảm bảo cho cam kết của mình không. Việc thẩm tra đó có thể do Đại sứ quán hoặc Sở Ngoại kiều tiến hành.
  6. Bản sao đã được công chứng hộ chiếu của người mời đang sống tại Đức, trong đó nhất thiết phải có trang có giấy phép cư trú.
  7. Các giấy tờ hộ tịch giải trình mối quan hệ của người mời và người được mời (Ví dụ: Giấy khai sinh, giấy kết hôn v.v..). Nếu giữa hai bên không có quan hệ họ hàng, người mời phải có thêm một giấy viết tay nói rõ lý do mời.
  8. Chứng nhận về thu nhập (Bản sao công chứng hợp đồng lao động)
    Sau khi được Đại sứ quán đồng ý cấp visa, người đi có thể phải trình
  9. Bảo hiểm y tế du lịch có giá trị cho cả thời gian sang thăm. Bảo hiểm này có thể mua tại các cơ quan bảo hiểm ở Cộng hòa Liên bang Đức. 10. Vé máy bay khứ hồi.

Tùy vào mỗi trường hợp Đại sứ quán có thể yêu cầu trình thêm các giấy tờ khác. ví dụ chứng nhận HIV âm tính, vv. Việc này chỉ thông báo bằng miệng cho người làm đơn biết

3. Visa đoàn tụ (Visum für Familienzusammen)

Visa dùng cho những ai muốn sang đoàn tụ với vợ hoặc chồng đang du học hoặc sống tại Đức. Toàn bộ giấy tờ nên dịch và công chứng tiếng Đức. ·

Người đi tại Việt Nam

  1. 03 tờ khai xin Visa dài hạn đã được điền và dán ảnh đầy đủ. Tờ khai này phải được khai bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức. Mẫu tờ khai có thể xin tại ĐSQ Đức.
  2. Hộ chiếu phổ thông Việt Nam có giá trị. Hộ chiếu này phải có chữ ký của người được cấp
  3. Giấy xác nhận của cơ quan đồng ý cho nghỉ việc để đi đoàn tụ gia đình, nếu người đi đang công tác 4. Lý lịch tư pháp do Sở tư pháp thành phố, tỉnh cấp.

· Người mời tại Đức

  1. Giấy mời và cam kết sử dụng mẫu thống nhất toàn liên bang theo Điều 84, Khoản 1 Luật Ngọai kiều Cộng hòa Liên bang Đức được Sở Ngọai kiều nơi người mời sống cấp và chứng nhận chữ ký trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký. Khi nộp giấy này cần nộp kèm theo hai bản photokopy. Khi nhận visa Đại sứ quán sẽ trả lại người đi một bản để người đi mang theo khi đi.
    Trong khuôn khổ việc xem xét cấp Visa cần thẩm tra để biết người mời có khả năng đảm bảo cho cam kết của mình không.
    Việc thẩm tra đó có thể do Đại sứ quán hoặc Sở Ngoại kiều tiến hành. Để có được giấy mời này, người mời phải chuẩn bị các giấy tờ sau (6, 7, 8, 9, 10) mang đến Sở ngoại kiều để làm thủ tục.
  2. Đơn xin bảo lãnh sử dụng mẫu do Sở ngoại kiều cấp. Người mời có thể phải thêm một giấy viết tay nói rõ lý do mời.
  3. Bản sao công chứng hộ chiếu của người mời đang sống tại Đức, trong đó nhất thiết phải có trang có giấy phép cư trú hoặc Visa dài hạn (trên 2 năm).
  4. Các giấy tờ hộ tịch giải trình mối quan hệ của người mời và người được mời (Ví dụ: Giấy khai sinh, đăng ký kết hôn v.v..).
  5. Chứng nhận về thu nhập (Bản sao công chứng hợp đồng lao động)
  6. Chứng nhận về nhà ở (Hợp đồng nhà) Diện tích tối thiểu cho 1 người là 9 m2

Sau khi được Đại sứ quán đồng ý cấp visa, người đi có thể phải trình

11. Bảo hiểm y có thể mua tại các cơ quan bảo hiểm ở Cộng hòa Liên bang Đức. 12. Vé máy bay.

Tùy thuộc vào mỗi trường hợp cụ thể, Đaị sứ quán có thể sẽ yêu cầu thêm các giấy tờ khác, ví dụ chứng nhận HIV âm tính, vv. Việc này chỉ thông báo bằng miệng cho người làm đơn biết.

4. Visa kết hôn

Visa dùng cho những ai muốn sang kết hôn với người đang cư trú hợp pháp tại Đức. Toàn bộ giấy tờ nên dịch và công chứng tiếng Đức. ·

Người đi:

  1. 03 tờ đơn xin cấp Visa dài hạn (đơn này do Đại sứ quán cấp miễn phí). Đơn phải khai bằng Tiếng Anh hoặc Tiếng Đức.
  2. Hộ chiếu phổ thông Việt Nam có giá trị của người đi.
  3. Các giấy tờ hộ tịch phải nộp kèm:
    a. Giấy chứng nhận độc thân do ủy ban nhân dân xã/phường của người đi cấp
    b. Nếu đã li hôn, phải có bản án li hôn,
    c. Bằng chứng về việc dự định kết hôn bên Đức, ví dụ:
    · Giấy xác nhận của Phòng hộ tịch Đức hoặc
    · Giấy công bố của phòng hộ tịch về cuộc hôn nhân hoặc
    · Đơn xin miễn giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn Các giấy tờ nêu trên phải nộp bản gốc (hoặc bản sao có công chứng).
    Nếu đương sự đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn, thì không phải nộp các giấy mục a), b), c) nêu trên.

 Người mời:

  1. Một tờ đơn (không theo mẫu) mời đi kết hôn
  2. Bản sao hộ chiếu đã công chứng
  3. Giấy đăng ký thường trú
  4. Chứng nhận về nhà ở Diện tích tối thiểu cho 1 người là 9 m2

Tùy thuộc vào mỗi trường hợp và trên cơ sở ý kiến của Sở Ngoại kiều Đức, Đại sứ quán có thể yêu cầu thêm các giấy tờ khác.

5. Visa bảo lãnh của GS

Visa dùng cho những ai được GS Đức nhận vào làm NCS. Toàn bộ giấy tờ nên dịch và công chứng tiếng Đức Người đi tại Việt Nam

  1. 03 tờ khai xin Visa dài hạn đã được điền và dán ảnh đầy đủ. Tờ khai này phải được khai bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức. Mẫu tờ khai có thể xin tại ĐSQ Đức.
  2. Hộ chiếu phổ thông hợp lệ, đã được người đi ký tên.
  3. Giấy bảo lãnh của GS.
  4. Lý lịch tư pháp do Sở tư pháp thành phố, tỉnh cấp.

Tùy thuộc vào mỗi trường hợp cụ thể, Đaị sứ quán có thể sẽ yêu cầu thêm các giấy tờ khác, ví dụ chứng nhận HIV âm tính, vv. Việc này chỉ thông báo bằng miệng cho người làm đơn biết.

 

 Quánh Tuấn

 

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000