Thăm nơi ở của các thủ tướng Đức tại Bonn

Tuần qua, ngôi nhà vườn từng là nơi ở của các đời thủ tướng Đức tại Bonn đã được mở cửa đón khách tham quan như một bảo tàng. 

Những khách tham quan đầu tiên dã phải ngạc nhiên khi thấy "tư dinh" của các chính khách từng đứng đầu cường quốc kinh tế số một châu Âu lại giản dị đến như vậy:

Các căn phòng riêng quá nhỏ, còn phòng tắm thì rất tuềnh toàng.

"Thủ đô lâm thời"

Sau Thế chiến II, nước Đức được chia thành 4 vùng do quân đội các nước Đồng minh quản lý.

Tháng 5/1949, Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập trên cơ sở 3 vùng phía Tây thuộc quân đội Mỹ, Anh và Pháp (ngay sau đó Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời tại vùng còn lại thuộc quân đội Liên Xô (cũ) ở phía Đông).

Ngày 3/11/1949, nhà nước mới khai sinh CHLB Đức bất ngờ chọn Bonn, một thành phố nhỏ - hồi ấy chỉ có hơn 10 vạn dân - nằm bên bờ sông Rhein ở bang Nordrhein- Westfalens, làm “thủ đô lâm thời”, thay vì Frankfurt.

Hồi ấy người ta vẫn nghĩ nước Đức sẽ sớm thống nhất qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Không ngờ Bonn trở thành “thủ đô lâm thời” tới 41 năm (1949- 1990) và tiếp tục là nơi “đóng đô” của chính phủ Đức cho đến tận năm 1999, tức 9 năm sau khi nước này thống nhất.

20090423 05 52 14 01
Mặt tiền của "nhà vườn thủ tướng" ở Bonn  

 Có lẽ vì thủ đô chỉ mang tính “lâm thời” nên nơi ở dành cho nhân vật quyền lực số một của CHLB Đức cũng có vẻ “tạm bợ”. Đó không phải là một tòa lâu đài hay dinh thự như ở nhiều nước, mà chỉ là một bungalow (nhà vườn xây bằng vật liệu nhẹ).

Ngôi nhà này mãi đến thời Thủ tướng Ludwig Erhard (1963 - 1966) mới được xây dựng, theo thiết kế của Sep Ruf, một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất Tây Đức sau Thế chiến II.

Trước đó, Konrad Adenauer - thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức (1949 - 1963) - hàng ngày vẫn phải vượt chặng đường gần 35km để đi từ nhà riêng ở Rhoendorf đến Bonn.

Thăm nơi ở của các thủ tướng Đức tại Bonn_1
Phía mặt sông được che chắn bởi một "bức tường" kính chống đạn  

Ludwig Erhard chọn một nơi khá kín đáo để xây ngôi nhà được gọi là kanzlerbungalow (nhà vườn thủ tướng) này: Đó là khoảnh đất nhỏ ven sông Rhein trong một vạt rừng nằm giữa Phủ thủ tướng và lâu đài Palais Schaumburg ở Bonn. Suốt một thời gian dài, đây là ngôi nhà riêng được bảo vệ gắt gao nhất nước Đức.

Thí dụ toàn bộ bề mặt nhìn ra sông của nó được che chắn bởi một “bức tường” kính chống đạn, qua đó những người sống ở ngôi nhà này vẫn có thể ngắm sông mà không lo bị bắn tỉa từ bờ bên kia.

Nghe nói nhờ tấm kính này, vợ chồng Thủ tướng Schmidt đã thoát chết trong một vụ khủng bố hồi thập kỷ 1970.

Những sở thích trái ngược

Mặc dù thiết kế đơn giản với những căn phòng nhỏ hẹp đặc trưng cho lối sống “thắt lưng, buộc bụng” ở Đức sau Thế chiến II, song kanzlerbungalow vẫn được đánh giá là một trong 10 ngôi nhà riêng đẹp nhất thế giới.

Bởi nó là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp kiến trúc bungalow Đức đã có truyền thống từ thập kỷ 1920 và những phong cách thiết kế hiện đại, với nhiều cửa kính rộng sát đất giúp chủ nhân ngôi nhà có một cái nhìn toàn cảnh ra khu vườn đầy cây cổ thụ.

 

Thăm nơi ở của các thủ tướng Đức tại Bonn_2
Phòng khách, nơi từng tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia 

Kanzlerbungalow gồm hai khu nhà: Khu lớn là nơi làm việc và tiếp các vị quốc khách của thủ tướng, có phòng khách lớn được bài trí theo phong cách Phần Lan với tường gạch để mộc và đồ gỗ không đánh véc-ni. Khu nhỏ được dùng làm nơi ở của gia đình thủ tướng và các vệ sĩ, với nội thất mang gam màu sáng. Trong đó, thủ tướng và phu nhân được bố trí ở riêng.

Phòng ngủ của mỗi người chỉ rộng có 16m2. Phòng tắm nhỏ hẹp tới mức khi ngôi nhà mới được khánh thành, những người thân quen đã tỏ ý thương hại Thủ tướng Erhard vì không rõ ông sẽ xoay xở thế nào trong chiếc bể tắm nhỏ xíu.

Thăm nơi ở của các thủ tướng Đức tại Bonn_3
Phòng tắm và toilet chật hẹp 
Đây là nơi trú ngụ của 5 đời thủ tướng khác nhau, trong đó ông Helmut Kohl ở lâu nhất, suốt 16 năm (1982 - 1998). Thủ tướng Willy Brandt (1969 - 1974) tuy rất thích nhà vườn này, nhưng chủ yếu ông vẫn ở lại ngôi nhà cũ của mình tại Unkel (cách Bonn 20km) vì cho rằng nhà vườn không thích hợp với cuộc sống gia đình.
Trên thực tế, kanzlerbungalow không có một phòng sinh hoạt gia đình chung theo đúng nghĩa của nó.

Trái lại, thủ tướng kế nhiệm Helmut Schmidt (1974 - 1982) lại cảm thấy rất thoải mái trong nhà vườn này. Khi dọn về đây ở năm 1982, Thủ tướng Helmut Kohl không hài lòng với trang trí nội thất ngôi nhà và đã yêu cầu sửa đổi khá nhiều theo ý thích của mình. Thí dụ những bức tường gạch để mộc đã được che phủ bằng các tấm rèm bằng nhung.

Trở thành bảo tàng lịch sử

Thăm nơi ở của các thủ tướng Đức tại Bonn_4
Phòng ngủ rộng có 16m2 (trong ảnh, bà Loki Schimidt đang theo dõi chồng bà là Thủ tướng Helmut Schmidt phát biểu trên truyền hình)

Nhậm chức năm 1998, mặc dù còn ở Bonn 1 năm trước khi chuyển đến tòa nhà khổng lồ được dùng làm Phủ thủ tướng và cũng là nơi ở mới xây tại Berlin, ông Gerhard Schroeder không còn sử dụng kanzlerbungalow nữa và nó bị bỏ hoang từ đó.

Tuần qua, sau hai năm được tu sửa toàn diện với chi phí 2 triệu euro, kanzlerbungalow đã được Bộ trưởng Nội các Thomas De Maiziere chính thức khánh thành làm một bảo tàng, mở cửa hàng ngày. Đây là lần đầu tiên người Đức có dịp tham quan ngôi nhà một thời được bảo vệ hết sức cẩn mật này.

Ban quản lý bảo tàng quyết định phục hồi nguyên trạng khu nhà tiếp khách như dưới thời thủ tướng đầu tiên Ludwig Erhard và khu nhà ở theo phong cách của “chủ nhân” cuối cùng Helmut Kohl.

 

 

 

Theo TTVH


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000